Trước giải phóng, Năm Căn là quận thuộc tỉnh An Xuyên. Từ sau năm 1956, gồm 2 xã: Năm Căn và Viên An. Quận lỵ đặt tại xã Năm Căn. Ngày 07/12/1965, quận nhận thêm xã Tân Ân tách từ quận Đầm Dơi.
Sau ngày 30/4/1975, quận Năm Căn bị giải thể. Ngày 29/12/1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 326-CP lập thêm 6 huyện mới thuộc tỉnh Minh Hải, trong đó có huyện Năm Căn, gồm có thị trấn huyện lỵ và 28 xã.
Trong thời kỳ thuộc tỉnh Minh Hải, huyện Năm Căn có một số điều chỉnh địa giới hành chính như:
- Ngày 25/7/1979, Chính phủ ra Quyết định số 275-CP: Chia xã Viên An thành 3 xã: Viên An Đông, Viên An Tây, Đất Mũi; Chia xã Năm Căn thành thị trấn Năm Căn và 2 xã Hàm Rồng, Đất Mới; Tách đất xã Tân Ân, lập xã mới Tam Giang; Chia nửa xã Quách Phẩm B thành 3 xã: Thanh Tùng, Tân Điền, Hiệp Tùng; Chia nửa xã Quách Phẩm A thành 3 xã: Tân Trung, An Lập, Tân An.
- Ngày 17/5/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 75/HĐBT: Cắt 5 xã Tân Điền, Tân An, Thanh Tùng, Tân Trung, An Lập của huyện Năm Căn, sáp nhập vào huyện Ngọc Hiển. Huyện Năm Căn còn lại thị trấn Năm Căn và 8 xã: Tân Ân, Hiệp Tùng, Hàm Rồng, Đất Mới, Tam Giang, Đất Mũi, Viên An Đông, Viên An Tây.
- Ngày 17/12/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 168/HĐBT đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển mới, đồng thời đổi tên huyện Ngọc Hiển cũ thành huyện Đầm Dơi.
- Ngày 14/02/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 33B-HĐBT về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Minh Hải: Giải thể thị trấn Năm Căn; thành lập xã Hàng Vịnh trên cơ sở diện tích và dân số của thị trấn Năm Căn cũ; chia xã Đất Mới thành hai đơn vị hành chính lấy tên là xã Đất Mới và thị trấn Năm Căn (thị trấn huyện lỵ huyện Ngọc Hiển).
Ngày 06/11/1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX ra Nghị quyết chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Huyện Ngọc Hiển thuộc tỉnh Cà Mau.
Ngày 25/6/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/1999/NĐ-CP về việc thành lập xã Tân Ân Tây trên cơ sở 11.096 ha diện tích tự nhiên và 10.030 nhân khẩu của xã Tân Ân.
Ngày 29/8/2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2000/NĐ-CP về việc chia tách, thành lập xã thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau: Thành lập xã Tam Giang Tây trên cơ sở 9.235 ha diện tích tự nhiên và 6.672 nhân khẩu của xã Tam Giang; thành lập xã Tam Giang Đông trên cơ sở 9.530,79 ha diện tích tự nhiên và 5.468 nhân khẩu của xã Tam Giang.
Ngày 17/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ-CP thành lập huyện Năm Căn trên cơ sở 53.291,4 ha diện tích tự nhiên và 70.745 nhân khẩu của huyện Ngọc Hiển.
Ngày 05/9/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2005/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã Lâm Hải trên cơ sở 12.272,4 ha diện tích tự nhiên và 10.531 nhân khẩu của xã Đất Mới.
Hiện nay, huyện Năm Căn có diện tích tự nhiên 49.539,61 ha, dân số 84.344 người (trong đó có 5.301 người tạm trú).
Huyện Năm Căn có 08 đơn vị hành chính, gồm thị trấn Năm Căn và các xã: Hàm Rồng, Đất Mới, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Tam Giang, Tam Giang Đông, Lâm Hải; tổng cộng có 70 ấp, khóm (57 ấp, 13 khóm).
Trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng, một số khu dân cư được chỉnh trang và xây dựng mới, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo của huyện Năm Căn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau (theo Quyết định số 66/2010/QĐ-TTg ngày 27/10/2010) và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 (theo Quyết định số 296/QĐ-TTg ngày 12/3/2012), thì tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện Năm Căn càng diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, diện tích tự nhiên của huyện Năm Căn hiện còn lớn (diện tích tự nhiên 49.539,61 ha; trong đó diện tích đất nông nghiệp 40.769,77 ha, chiếm gần 82,2% diện tích tự nhiên), cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm các xã và thị trấn, do đó quá trình phát triển đô thị của huyện chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập.
1. Về lĩnh vực kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm là 12%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (từ 12 - 13%). Tổng giá trị tăng thêm bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 tăng 12 - 13%. Năm 2012, giá trị sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tăng 2,24%; công nghiệp, xây dựng tăng 11,82%; dịch vụ tăng 21,91% (theo giá thực tế).
Mặc dù mức tăng trên là không nhỏ, nhưng về giá trị tuyệt đối không lớn nên thu nhập của người dân vẫn còn thấp. Mức sống của đại đa số người dân nông thôn còn khó khăn, giá cả đầu vào tăng, giá nông sản và thị trường tiêu thụ không ổn định; trong khi đó, việc đầu tư chiều sâu để chuyển dịch cơ cấu sản xuất khu vực nông nghiệp - thủy sản chiếm tỷ trọng thấp.
1.1. Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: Tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 8,83%/năm. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành năm 2012 đạt 522.059 triệu đồng; trong đó: nông nghiệp đạt 16.661 triệu đồng, lâm nghiệp đạt 88.750 triệu đồng, thủy sản đạt 417.648 triệu đồng. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện là 25.676,93 ha, đạt 100% kế hoạch; sản lượng thủy sản năm 2012 đạt 22.993 tấn, tăng 5,53% so với năm 2011.
Công tác đầu tư cho sản xuất được quan tâm, việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp ngày càng nhiều hơn. Năm 2012, huyện đã triển khai thi công nạo vét 18 công trình thuỷ lợi, với tổng vốn đầu tư 12.610 triệu đồng. Toàn huyện hiện có 20 hợp tác xã, với 254 xã viên, vốn điều lệ 24.003 triệu đồng, có 428 lao động, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là nuôi trồng thủy sản và chế biến than; ngoài ra còn có 28 tổ hợp tác, với 385 tổ viên, vốn góp 381,5 triệu đồng, có 420 lao động, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là nuôi trồng thủy sản.
1.2. Về công nghiệp: Trên địa bàn huyện có 314 cơ sở sản xuất công nghiệp, với 2.289 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (giá cố định) năm 2012 đạt 475 tỷ đồng, tăng 2,73% so với năm 2011; trong đó: khu vực ngoài nhà nước 68 tỷ đồng, tăng 10,12% so với năm 2011; khu vực nhà nước 407 tỷ đồng, tăng 1,59% so với năm 2011. Các ngành công nghiệp chủ yếu là chế biến thủy sản xuất khẩu và sản xuất điện, nước. Năm 2012, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến đạt 461 tỷ đồng; sản xuất phân phối điện, nước đạt 13,21 tỷ đồng.
1.3. Về thương mại, dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2012 đạt 537 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2011. Trên địa bàn huyện hiện có 3.627 cơ sở kinh doanh, dịch vụ, với 10.445 lao động. Trung tâm thương mại thị trấn Năm Căn và một số chợ xã đang được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của huyện. Các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng, tăng thêm năng lực và quy mô.
1.4. Chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế: Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển, tạo động thúc đẩy kinh tế không ngừng phát triển. Nhìn chung, các thành phần kinh tế đều phát triển và cạnh tranh bình đẳng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.
1.5. Chuyển dịch cơ cấu lao động: Những năm qua, đã có bước chuyển dịch đáng kể cơ cấu lao động trên các lĩnh vực. Đến năm 2012, lao động khu vực I chiếm 31,7%, khu vực II chiếm 33,9%, khu vực III chiếm 34,4%. So với cơ cấu lao động năm 2005 thì khu vực II tăng 7,5%, khu vực III tăng 8,3%, khu vực I giảm 15,8%. Điều này chứng tỏ ngành công nghiệp và dịch vụ thu hút ngày càng nhiều lao động, phù hợp với định hướng phát triển của huyện.
1.6. Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội
Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là các công trình như: nâng cấp nhà lồng chợ và xây dựng mới lại sân chợ thị trấn Năm Căn; nâng cấp, láng nhựa nóng và lát gạch vỉa hè một số tuyến đường nội ô thị trấn Năm Căn; diện tích đất công viên cây xanh được mở rộng (toàn thị trấn có 53,24 ha đất công viên cây xanh); các hạng mục công trình khu tái định cư tại thị trấn được triển khai thực hiện; hệ thống cấp thoát nước tại nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng.
Hạ tầng giao thông được tập trung thực hiện. Một số tuyến đường ô tô về trung tâm xã được đầu tư mới, đồng thời xây dựng mới các tuyến đường bê tông về xóm, ấp. Riêng thị trấn Năm Căn có 18,5 km đường đô thị bằng bê tông cốt thép, bề mặt 3 - 5m, chất lượng tốt. Các tuyến đường ô tô về trung tâm xã đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Thuỷ lợi được quan tâm đầu tư xây dựng, phục vụ tốt cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản.
Điện lưới quốc gia được đầu tư phát triển rộng khắp, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Tổng chiều dài đường điện toàn huyện là 823,6 km; trong đó: đường điện trung thế là 394,3 km, đường điện hạ thế là 429,3 km. Toàn huyện hiện có 419 trạm biến áp, với tổng công suất tiêu thụ là 21.337,5 KvA. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện hiện đạt gần 99%, trong đó sử dụng điện lưới quốc gia chiếm 97%.
Nước hợp vệ sinh, chủ yếu là nước nối mạng và giếng nước bơm tay phát triển rộng khắp. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm gần 100%.
Thông tin liên lạc tiếp tục được mở rộng, tỷ lệ sử dụng điện thoại đạt 66 máy/100 dân. Tổng số máy điện thoại cố định hiện có 16.399 máy, điện thoại di động 13.974 máy.
Các công trình phúc lợi công cộng khác (trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao...) cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
1.7. Tài chính - tín dụng: Tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, số thu tăng bình quân hàng năm từ 17 - 18%/năm; riêng năm 2012 thu đạt 91,65 tỷ đồng, tăng 10,43% so với năm 2011. Chi ngân sách với tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo đúng nguyên tắc và kế hoạch tài chính; năm 2012 chi ngân sách đạt 173,14 tỷ đồng, tăng 31,72% so với năm 2011. Huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn 308 tỷ đồng, đạt 104,76% kế hoạch, tăng 20,45% so với năm 2011; tổng dư nợ cho vay 349 tỷ đồng, đạt 115,5% kế hoạch, tăng 21,48% so với năm 2011, trong đó nợ xấu 5,5 tỷ đồng chiếm 1,59% tổng dư nợ, giảm 0,46% so với năm 2011.
1.8. Huy động các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Năm năm qua, từ các nguồn vốn khác nhau, huyện đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể cho sự phát triển của huyện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đọan 2005 - 2011 đạt trên 6.000 tỷ đồng.
2. Về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực xã hội
2.1. Về giáo dục - đào tạo: Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên; mạng lưới, quy mô trường lớp được điều chỉnh thích hợp; huy động trẻ dưới 3 tuổi vào nhà trẻ đạt 5,13% tổng số trẻ, trẻ 3 - 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 70,19%, huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98,5%. Huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia hàng năm về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Phổ cập THPT tiếp tục được thực hiện. Các xã, thị trấn đều có Trung tâm học tập cộng đồng, chất lượng hoạt động khá tốt. Cơ sở vật chất trường, lớp học được nâng cấp, xây dựng mới; phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai rộng khắp. Tổng số trường trong toàn huyện hiện có 35 trường, gồm: 10 trường Mầm non, 15 trường Tiểu học, 9 trường THCS và 1 trường THPT (trong đó có 12 trường đạt chuẩn quốc gia). Toàn huyện hiện có 12.387 học sinh, gồm: 1.894 học sinh mầm non, 6.041 học sinh tiểu học, 3.387 học sinh THCS và 1.065 học sinh THPT.
2.2. Về khoa học và công nghệ: Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản ngày càng mạnh mẽ. Trong năm 2012, huyện đã thực hiện 06 dự án gồm: Dự án nuôi cá Giò (cá Bóp) tại xã Hàm Rồng, dự án nuôi tôm quảng canh cải tiến tại xã Hàm Rồng, xã Hàng Vịnh và xã Hiệp Tùng, dự án trồng rau an toàn ở thị trấn Năm Căn và dự án nuôi gà an toàn sinh học ở xã Đất Mới.
Năm 2012, huyện đã tổ chức 74 lớp tập huấn và 06 cuộc hội thảo về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm sinh thái, nuôi cua, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, chăn nuôi gia súc, gia cầm, tổng cộng có 2.356 lượt người tham dự; hỗ trợ khuyến công 02 dự án: dây chuyền sản xuất bánh mỳ ở thị trấn Năm Căn và mô hình xay lá mắm làm thức ăn tôm tại xã Tam Giang. Đồng thời đã đăng ký thương hiệu “Cua Năm Căn”.
2.3. Về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân: Các chương trình y tế quốc gia được triển khai thực hiện đạt hiệu quả khá. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân được thực hiện tốt, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện. Các trạm y tế của các xã đã được xây dựng xong, góp phần đạt chuẩn quốc gia về y tế xã trong toàn huyện vào năm 2007. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng giảm còn 17,2%. Công tác dân số - KHHGĐ được quan tâm thường xuyên, mức sinh giảm bình quân 0,04%/năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,3%/năm.
2.4. Về văn hoá, thể thao và thông tin, truyền thông: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì. Phong trào thi đua xây dựng con đường đẹp, cơ quan, hộ dân có cảnh quang đẹp được đẩy mạnh; ý thức làm giàu, làm đẹp đang phát triển trong cộng đồng. Tất cả các xã đều có sân văn hóa - thể thao tổng hợp. Phong trào thể dục thể thao phát triển khá mạnh mẽ, số người tham gia luyện tập thể dục – thể thao ngày càng nhiều, đa dạng về loại hình tập luyện; các môn thể thao có thế mạnh như: bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, điền kinh hàng năm đều đạt thành tích khá cao; các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền... ở cấp xã hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã được nâng cấp, hầu hết các xã, thị trấn đều có trạm truyền thanh, đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, chất lượng tin bài ngày càng đi vào chiều sâu.
2.5. Về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo
Các đối tượng chính sách và người có công với nước được quan tâm chăm lo ngày càng tốt hơn, các đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định 290, 188, 142 của Thủ tướng Chính phủ đến nay cơ bản đã chi trả xong. Năm 2012, toàn huyện xây dựng mới 14 căn nhà tình nghĩa (mức hỗ trợ 30 triệu đồng/căn), sửa chữa 08 căn nhà tình nghĩa (mức hỗ trợ 7 triệu đồng/căn).
Các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình 134, 135 của Chính phủ, được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền trong huyện.
Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm thường xuyên. Năm 2012, toàn huyện giải quyết việc làm cho 7.936 lao động; giải quyết cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, mua bán nhỏ, với số tiền 47.878 triệu đồng. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 3,7% và đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2012 giảm còn 8,95%. Đến nay, cơ bản đã xoá xong nhà cây lá tạm bợ.
3. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng
Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở không ngừng củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ, công chức được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt và ngày càng hoạt động có hiệu quả, tận tụy phục vụ nhân dân. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” ngày càng phát huy hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý công việc, cập nhật thông tin nhanh chóng và hiệu quả.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm; các vụ khiếu kiện tồn đọng đã cơ bản giải quyết xong.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng được tiến hành thường xuyên, liên tục và đi vào chiều sâu, gắn với việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
4. Quốc phòng, an ninh - nội chính
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được quan tâm thường xuyên, nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố vững chắc. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ chiếm 1,3% dân số, huấn luyện lực lượng hàng năm đạt từ 98% trở lên. Quan tâm chỉ đạo triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết 28/TW của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ, công tác diễn tập đạt mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trên giao. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đạt kế hoạch. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đạt 100% chỉ tiêu với chất lượng ngày càng cao; thực hiện tốt chính sách hậu phương - quân đội.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, các loại tội phạm từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, số vụ phạm pháp hình sự giảm, trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, không xảy ra các cháy nổ lớn, không có tội phạm có tổ chức và tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Phong trào địa bàn đạt 3 nội dung: tỷ lệ gia đình văn hoá an toàn về an ninh trật tự đạt 98% số hộ; làm tốt công tác giáo dục các đối tượng tại cộng đồng dân cư và giáo dục tại xã theo Nghị định 163/CP của Chính phủ; thường xuyên củng cố lực lượng công an cấp xã; ấp, khóm đủ mạnh.
Về nội chính: thực hiện tốt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; bộ máy các cơ quan tư pháp từng bước được kiện toàn; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và công tác thanh tra được nâng lên. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, vì vậy tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp không xảy ra.