Thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử luôn được các cấp, các ngành triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống cộng đồng. Việc hướng đến Chính quyền số ở huyện Năm Căn đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần phát huy hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước.
Đến nay, toàn huyện Năm Căn có 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn Năm Căn được cấp tài khoản người dùng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành iOffice, Mail công vụ để sử dụng, xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, trao đổi văn bản điện tử trong công việc luôn được đảm bảo, thuận tiện, đem lại hiệu quả cao trong việc.
Để đảm bảo cho hệ thống hoạt động thông suốt, huyện Năm Căn đã đầu tư hệ thống phòng họp trực tuyến của UBND huyện và phòng họp trực tuyến của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn Năm Căn, đảm bảo đạt chất lượng, hệ thống Camera và âm thanh luôn được nâng cấp kịp thời, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các cuộc họp trực truyến các cấp. Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng luôn được thực hiện nghiêm túc theo quy chế quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan Nhà nước. Hiện, UBND huyện đang quản lý 145 chữ ký số chuyên dùng, trong đó, có 29 chữ ký số tổ chức và 116 chữ ký số cá nhân.
Viettel Năm Căn luôn đồng hành, hướng tới Chính quyền số
Ngoài ra, Trang Thông tin Điện tử của huyện hoạt động ổn định và duy trì, phát huy được công năng, mang lại hiệu quả và nâng cao Chính quyền số, hằng năm, có trên 9 ngàn lượt truy cập. Công tác quản trị, biên tập luôn được thực hiện nghiêm, các quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng đảm bảo đúng theo Nghị định số 42/NĐ-CP của Chính phủ. Số lượng tin, bài được đăng tải bình quân khoảng 20 tin, bài /tuần; nội dung đăng tải luôn mang tính thời sự, phản ánh kịp thời các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật trong huyện. Đặc biệt là thực hiện tốt công tác tuyên truyền các Nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhờ Chính quyền số phát triển, mọi người dân được tiếp cận lĩnh vực công nghệ thông tin, các ứng dụng phản ánh hiện trường được triển khai.
Riêng từ đầu năm đến nay, có 9.470/15.715 hộ gia đình được tiếp cận ứng dụng phản ánh hiện trường trên môi trường mạng. Qua đó, tiếp nhận được 22 lượt phản ánh của người dân về các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là tập trung phản ánh về lĩnh vực hạ tầng đô thị và an ninh trật tự…Từ đó, các cơ quan Nhà nước tiếp cận nhanh chóng để kịp thời đưa ra các phương án xử lý, giúp phát huy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Nhân viên VNPT tận tình hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng
Anh Trần Can Đảm, Giám đốc Viettel huyện Năm Căn cho biết, để đồng hành cùng Chính quyền số, đơn vị đã tiên phong cùng với các cấp chính quyền và nhân dân trong huyện tham gia chương trình chuyển đổi số, đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới di động, cáp quang băng rộng, hạ tầng số theo hướng hiện đại, thông minh và an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch thuê bao, phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, sự thụ hưởng của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh việc phát triển Chính quyền số, việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng được phát huy hiệu quả. Theo đó, các phần mềm trong nội bộ được kết nối, đường truyền dữ liệu luôn ổn định, các văn bản nội bộ được triển khai thông suốt, hạ tầng kỹ thuật cơ bản đảm bảo phục vụ chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các phần mềm, ứng dụng của cán bộ, công chức được đáp ứng yêu cầu.
“Phối hợp với các xã, thị trấn triển khai mô hình Khu dân cư điện tử, cùng Tổ Công nghệ số cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng: Ví VNPT Money, thanh toán tiền điện, nước, cước dịch vụ Viễn thông - Công nghệ thông tin của VNPT qua các ứng dụng. Đồng thời, cùng chính quyền các cấp tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Bên cạnh đó, còn thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử, số hóa các khu di tích, phần mền quản lý trường học VNEDU, hệ thống điều hành giáo dục thông minh, phần mềm quản lý và điều hành văn bản Ioffice, hóa đơn điện tử, chữ ký số…”, chị Trần Mỹ Thanh, Giám đốc Kinh doanh Vinaphone chi nhánh Năm Căn, thông tin.
Là người dân tham gia làm hồ sơ Bảo hiểm y tế, anh Tạ Thanh Dũng, khóm 8, thị trấn Năm Căn, chia sẻ: “Tham gia chương trình chuyển đổi số này rất tiện lợi cho người dân, hồ sơ làm nhanh gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện hơn, không phải như ngày xưa khi mỗi lần thực hiện giao dịch”.
Nhân viên Bảo hiểm Xã hội huyện tư vấn, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân
Để hướng đến Chính quyền số ổn định và bền vững, hơn ai hết, các cấp các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều kênh, đặc biệt là kênh truyền thông chính thống về chuyển đổi số như: Trang Thông tin điện tử thành phần từ huyện đến các xã, thị trấn; hệ thống thông tin cơ sở; các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông công cộng khác, nhằm tạo sự lan tỏa, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đến với cộng đồng; phát hiện, tôn vinh, phổ biến các câu chuyện, bài học, các mô hình chuyển đổi số thành công để nhân rộng. Ngoài ra, tăng cường tổ chức và tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức; thông qua các Tổ Công nghệ số cộng đồng phổ cập kỹ năng số giúp cho người dân cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số; Tăng cường khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính trong việc triển khai dịch vụ công, tổ chức các chiến dịch cấp chữ ký số miễn phí cho người dân; phối hợp với các Ngân hàng làm thẻ tín dụng, ví điện tử cho người dân; triển khai dịch vụ Mobile Money để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tranh thủ tối đa các nguồn lực trong phạm vi quản lý của từng cơ quan, đơn vị để thực hiện chuyển đổi số, các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai thực hiện các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Giàu