Qua nhiều con đường ngoằn ngèo của ấp Hố Gùi mới đến được nhà Chị Lê Ngọc Thoa, Chi hội trưởng, Chi hội Phụ nữ ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông đã bắt gặp hình ảnh tay soắn áo, quần quấn cao trên mắc cá chân, chị nhanh nhẹn từ việc nhà cho đến chăm sóc ao vườn, đúng là nông dân thứ thiệt.
Tìm hiểu về mô hình nuôi Rắn Mối là một mô hình kinh tế mới đối với hội viên phụ nữ trong huyện, Chị Thoa đặt nhiều hy vọng để nhân rộng trong hội viên của xã.
Chị Lê Ngọc Thoa, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Hố Gùi xã Tam Giang Đông chia sẽ: "Nói chung là cua tôm ở đây nó có nhiều, có sẵn, nhất là ở dưới nước khó hiểu lắm, cũng có khi thắng khi bại, cua tôm ở đây thả vô rất nhiều nhưng thu lại ít. Qua tìm tòi nhiều nơi, tôi thấy mô hình nuôi Rắn Mối đạt hiệu quả và dễ dàng thực hiện".
Chị Lê Ngọc Thoa với sảm phẩm con Rắn Mối
Từ lâu, Chị Thoa ấp ủ tìm kiếm mô hinh kinh tế để có thể nâng cao thu nhập gia đình và nhân rộng hội viên trong xã. Sau nhiều lần tìm tòi , học hỏi Chị Thoa quyết định chọn nuôi Rắn Mối. Là đối tượng vật nuôi khá lạ trong vùng. Bởi nhiều hội viên phụ nữ của ấp cũng bâng khuân hỏi tại sao không chọn nuôi tôm, cua phù hợp điều kiện tự nhiên và có đầu ra dễ dàng.
Xác định hướng đi đúng đắn và bắt kịp xu hướng thị trường, cộng với sự cần cù chịu khó, đến nay cơ bản mô hình nuôi Rắn Mối của chị Thoa đã có hướng phát triển. Tìm hiểu kỹ thuật nuôi từ các tỉnh Long an, Bạc Liêu cộng với sự chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, là cách chị Thoa áp dụng vào thực tế sản xuất để mang lại hiệu quả cho mô hình của mình.
Về đầu tư trại nuôi cũng khá đơn giản làm sao đảm bảo chăm sóc từ rắn con đến lớn. Để nuôi Rắn Mối đạt hiệu quả cao, chuồng trại và thức ăn là hai khâu quan trọng. Việc xây chuồng nuôi rắn bằng bê-tông kiên cố, cao từ một mét rưỡi trở lên.
Theo Chị Thoa, tạo môi trường sống cho Rắn Mối tốt nhất là môi trường hoang dã, trồng thêm nhiều bụi cỏ và để Gạch ống trong chuồng nuôi, tạo môi trường tự nhiên cho rắn sinh sản và phát triển. Riêng nguồn thức ăn cũng cần chọn nguồn thức ăn phù hợp, Rắn Mối rất thích ăn các loại cá tạp xoay nhiễn trộn với cơm nguội.
Hiện mô hình của nuôi Rắn Mối được hơn một tháng với 2 ngàn rắn con. Theo chị Thoa, nếu so với các đối tượng khác Rắn Mối dễ chăm sóc, số hao hụt không nhiều. Tính chi phí ban đầu từ con giống cho đến đầu tư chuồng trại hơn 35 triệu đồng. Mặc dù là địa bàn vùng sâu như xã Tam Giang Đông, nhưng chị Thoa đã tính toán đầu ra rất kỹ cho sản phẩm của mình. Nhiều mối hàng đã đặt sẵn khi rắn nuôi đủ tháng tuổi. Sau hơn 6 tháng tuổi thu hoạch rắn thịt, 3 tháng tuổi thu hoạch rắn sinh sản. Hiện giá rắn thịt 28 con/ 1kilogam có giá giao động từ 500 ngàn đồng trở lên.
Chị Lê Ngọc Thoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hố Gùi xã Tam Giang Đông cho biết thêm: "Tôi đã tranh thủ tìm mối hàng trước khi nuôi. ở Tp.HCM tôi đã có ba hợp đồng và trong huyện. Với ý định mở rộng ra cho chị em phụ nữ trong xã nuôi theo để cho có nguồn cung cho khách hàng ’’.
Hội viên phụ nữ ấp Hố Gùi tham quan mô hình nuôi Rắn Mối
Để bù vào khoảng chi phí dài hạn cho việc nuôi rắn, chị Thoa nuôi thêm hai ao cá phi, cá rô và cá trê để làm thức ăn cho rắn. Ước tính, với mô hình nuôi Răn Mối trừ chi phí đầu tư con giống, chăm sóc, một kilogam rắn chị thu lợi gấp đôi so với số vốn ban đầu. Đầu tư phát triển kinh tế đúng hướng, Chị Thoa mong rằng gia đình mình sẽ trở nên khá giàu và có nhiều cơ hội giúp nhiều chị em phụ nữ của ấp cùng phát triển. Chị Nguyễn Thị Tính, hội viên phụ nữ ấp Hố Gùi xã Tam Giang Đông cho biết: "Tôi đã trao đổi kinh nghiệm nuôi rắn nhiều lần của chị Thoa, chị em trong ấp cũng mong sớm thực hiện theo mô hình của chị để tăng thu nhập gia đình".
Mô hình nuôi Rắn Mối là mô hình kinh tế mới, chi phí đầu tư thấp, bởi không nhất thiết phải đầu tư xây chuồng trại, tùy theo điều kiện kinh tế từng hộ gia đình. Đặc biệt bà con dễ dàng thực hiện, đem lại nguồn thu nhập cho hộ gia đình nhất là lao động nhàn rỗi đối với chị em phụ nữ ở vùng nông thôn./.
Bài và ảnh: Như Quỳnh-Quốc Sáng(Đài TT Năm Căn)