Thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế bền vững, từ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Thị trấn Năm Căn là nơi tập trung đông dân cư, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đất sản xuất và có nhu cầu lớn về nhà ở. Ðể người dân thoát nghèo bền vững, địa phương ưu tiên hỗ trợ về nhà ở, đồng thời thường xuyên mở các lớp dạy nghề, truyền nghề và hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư kinh doanh, mua bán.
Ngoài hỗ trợ về nhà ở, thị trấn Năm Căn còn thường xuyên mở các lớp dạy nghề, truyền nghề giúp người dân giảm nghèo bền vững
Gia đình bà Nguyễn Thị Trinh, hộ nghèo ở khóm Sa Phô, nhiều năm liền phải sống trong ngôi nhà tạm bợ. Thấy được khó khăn đó, chính quyền địa phương hỗ trợ 80 triệu đồng để cất căn nhà mới, đồng thời hỗ trợ gia đình tiếp cận vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 40 triệu đồng dùng mua bán, kinh doanh để thoát nghèo bền vững.
“Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đã giúp đỡ tôi được căn nhà. Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi sẽ cố gắng buôn bán, phụ chồng lo cho mấy đứa con ăn học và cố gắng vươn lên phát triển kinh tế gia đình”, bà Trinh phấn khởi:
Ông Ðoàn Thanh Tuấn, Trưởng khóm Sa Phô, cho biết: “Năm nay khóm có 3 hộ được hỗ trợ nhà, bên cạnh đó cũng hỗ trợ họ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Thời gian qua, những hộ này đều có tinh thần phấn đấu để vươn lên thoát nghèo”.
Tại xã Lâm Hải, chính quyền quan tâm hỗ trợ người dân phát triển nhiều mô hình sản xuất, hiệu quả nhất phải kể đến mô hình nuôi chồn hương thương phẩm tại 17 hộ dân. Trung bình mỗi hộ được hỗ trợ giống với số tiền khoảng 28 triệu đồng, từ nguồn vốn giảm nghèo của xã.
Mô hình nuôi chồn ở xã Lâm Hải mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Vừa qua, bà Dương Thị Thiệt, ấp Trại Lưới B, được hỗ trợ 12 con chồn giống. Sau hơn 2 tháng nuôi, đàn chồn phát triển khá tốt. Thấy hiệu quả, bà Thiệt dự định tiếp tục phát triển nghề nuôi chồn.
Ông Nguyễn Trung Tình, Phó chủ tịch UBND xã Lâm Hải, cho biết, ngay từ đầu năm, UBND xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, trong đó chú trọng nắm bắt tình hình cụ thể của hộ nghèo để có hướng vận động giúp đỡ. Trong năm, xã hỗ trợ bà con phát triển kinh tế từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó mô hình nuôi chồn mang lại hiệu quả cao. Ðến nay, xã đã đạt mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch đề ra.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thông tin: “Ðầu năm 2024, toàn huyện còn 239 hộ nghèo, chiếm 1,52% và 393 hộ cận nghèo, chiếm 2,5%. Theo kế hoạch của UBND huyện, phấn đấu đến cuối năm hộ nghèo giảm còn 1,04%, hộ cận nghèo giảm còn 2,02%. Qua rà soát sơ bộ từ các xã, thị trấn, đến thời điểm này công tác giảm nghèo của huyện đã đạt theo kế hoạch đề ra”.
Công tác giảm nghèo của huyện nhà vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là càng về sau càng khó thực hiện. Tuy nhiên, với kết quả mang lại cho thấy công tác giảm nghèo của huyện đã đi đúng hướng, hài hòa giữa ý Đảng và lòng dân. Tin tưởng rằng công tác giảm nghèo của huyện Năm Căn tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp./.