Những năm qua, công tác đào tạo và truyền nghề được lãnh đạo và ngành chức năng huyện Năm Căn đặc biệt quan tâm không chỉ về số lượng mà còn chú trọng đến chất lượng và gắn với nhu cầu thực tế của người lao động tại địa phương. Từ đó, đã góp phần năng cao thu nhập, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trong năm 2024 huyện Năm Căn đào tạo nghề và truyền nghề cho 1.826 lao động, đạt trên 130% kế hoạch năm, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đạt kết quả trên, huyện Năm Căn chủ động phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Cà Mau và các ngành có liên quan mở các lớp như: nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu, chăn nuôi thú y, nữ công gia chánh, lớp may công nghiệp và trồng nấm...
Theo đánh giá của ngành chuyên môn các họp viên tham gia các lớp đào tạo, dạy nghề đa phần có ý thức học tập, chấp hành nghiêm quy định lớp, tham gia đầy đủ các buổi học và chịu nghiên cứu, học hỏi nên chất lượng các lớp đạt khá so với yêu cầu đề ra. Sau lớp học nhiều học viên đã phát triển ngành nghề mình đã học và có nguồn thu nhập.
Điển hình như ông Trần Văn Quảng, ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng tham gia lớp chăn nuôi gà từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024. Sau khi hoàn thành khoá học ông được hỗ trợ 100 con gà giống kể cả thuốc men và thức ăn. Sau khoảng 3 tháng thả nuôi gà có trọng lượng từ 1,5 - 2kg và đang xuất bán ra thị trường.
Ông Trần Văn Quảng phấn khởi khi nuôi gà mang lại hiệu quả
Ông Trần Văn Quảng chia sẻ: “Theo tôi nuôi gà cũng dễ, giai đoạn đầu mình cho ăn uống, thuốc men đầy đủ thì không lo gì. Lúc tôi chưa tham gia lớp học thì nuôi nó hao nhiều, khi học rồi mình nắm kiến thức nên giảm hao hụt. Theo như tôi, nếu gia đình khó khăn, ít đất sản xuất, cần làm cái khu nuôi gà cũng không cần lớn nói chung là làm có hiệu quả”.
Cũng như ông Quảng, chị Phạm Thị Bé, khóm 4, thị trấn Năm Căn tham gia lớp học may do Phòng lao động Thương binh và Xã hội huyện Năm Căn phối hợp Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Cà Mau tổ chức. Nhờ cần cù học hỏi sau khi hoàn thành khóa học hiện nay chị may gia công cho tiệm may trên địa và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Chị Bé cho biết: “Trước kia tôi chỉ làm nội trợ trong gia đình, vừa qua tôi có tham gia lớp dạy may trong vòng 3 tháng. Sau khi đào tạo xong tôi đăng ký vào may gia công tại nhà may thuộc khóm 4, thị trấn Năm Căn. Trung bình một ngày tôi thu nhập khoảng 150 ngàn đồng. Với thu nhập này hiện nay cuộc sống gia đình tôi tương đối ổn định”.
Nhiều chị em phụ nữ tham gia lớp học may đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc may gia công
“Trong năm nay, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND huyện Năm Căn tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 8 lớp từ Chương trình lao động nông thôn và 8 lớp từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đa số các lớp điều xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương. Có nghĩa là ở địa phương có yêu cầu đào tạo ngành nghề gì thì trường sẽ tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành nghề đó. Thông qua các lớp đào tạo trong năm 2024 tôi thấy qua thời gian đào tạo các học viên nắm được kiến thức và áp dụng vào thực tế cũng như chuyển đổi các ngành nghề một cách hiệu quả” ông Danh Ngọc Sương, cán bộ Cơ sở đào tạo nghề số 6 Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Cà Mau thông tin thêm.
Với sự định hướng, chủ động của các ngành có liên quan cùng với sự cố gắng vượt khó học tập, nhiều học viên đã phát triển được ngành nghề sau khi được đào tạo. Từ kết quả mang lại, cho thấy công tác đào tạo nghề, truyền nghề trong những năm qua là hết khả quan, góp phần quan trọng vào công tác giải quyết việt làm và giảm nghèo bền vững tại địa phương./.