Từ sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hi sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay.
Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1947 - 1949, Huế, Sài Gòn, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông, các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Cuộc đấu tranh của học sinh lan ra khắp Đông Dương. Ngày 9/11/1949, học sinh Huế bãi khoá.
Đến ngày 22/11/1949, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục. Theo đó là các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra và đưa ra nhiều yêu sách như: Chấm dứt khủng bố; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh..... Trong khi đó tại Hà Nội, học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “đả đảo bù nhìn”.
Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Ơn là biểu tượng đẹp đại diện cho lòng yêu nước của lực lượng học sinh, sinh viên (Ảnh: Internet)
Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 Nhân dân Sài Gòn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Tuy nhiên, Đoàn biểu tình đã bị Pháp đàn áp dã man. Cũng chính vì cuộc đàn áp đẫm máu này đã dấy lên trong học sinh, sinh viên và Nhân dân Sài Gòn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Sau khi chặn họng súng giặt để che chở cho các bạn chạy thoát, anh Trần Văn Ơn, thành viên chủ chốt trong phong trào học sinh yêu nước đã anh dũng hi sinh. Để noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ Nhất vào tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng 01 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên.
Lực lượng thanh niên và học sinh huyện Năm Căn thường xuyên được tham quan trưng bày và tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử
Là thế hệ học sinh mới, tự hào khi được học dưới mái trường của chí sĩ yêu nước Phan Ngọc Hiển, em Lê Đăng Khoa, lớp 9A1, Trường THCS Phan Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, chia sẻ: “Người anh hùng Phan Ngọc Hiển là một chiến sỹ cách mạng và cũng là một nhà giáo, đã đứng lên dẫn đầu cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, mặc dù cuộc khởi nghĩa thành công lúc đầu nhưng cuối cùng vẫn bị đàn áp và anh cũng đã hi sinh những đã để lại trong em rất nhiều cảm xúc, khi biết đến vị anh hùng Phan Ngọc Hiển, em rất tự hào khi được học dưới mái trường mang tên vị anh hùng này. Đối với em, ước mơ là thấy được một Năm Căn ngày càng tươi đẹp hơn và để cho Năm Căn ngày càng phát triển thì em cũng phải cố gắng học tập và đạt nhiều thành tích hơn nữa. Em muốn mọi người đều biết đến Năm Căn, cũng như những vị anh hùng, như anh hùng Phan Ngọc Hiển.”
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, lực lượng học sinh, sinh viên đóng vai trò quan trọng, những tấm gương anh hùng như: Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Cừ, Đặng Thùy Trâm, Lý Tự Trọng,...là lực lượng tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Và ngày nay, học sinh, sinh viên là nền móng quan trọng xây nên lớp trí thức mới, có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thanh niên huyện Năm Căn thắp hương tại nhà bia ghi danh 10 liệt sỹ Khởi nghĩa Hòn Khoai
Ông Lê Văn Út, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, cho biết: “Đầu năm nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục, trong kế hoạch đó có thể hiện từng thời điểm cũng như hoạt động cụ thể, ví dụ như hằng năm nhà trường chỉ đạo hình thức tuyên truyền dưới cờ; chỉ đạo bộ phận đoàn, đội đưa các em đi đến Ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ tọa lạc ở xã Hàm Rồng, tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai,... Dự định hằng năm nhà trường sẽ kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức các buổi ngoại khóa để cho các em biết đến nhiều khu di tích lịch sử của quê hương Cà Mau”.
Lực lượng thanh niên huyện Năm Căn chụp ảnh lưu niệm Chào mừng Kỷ niệm 68 năm Ngày Truyền thống Hội LHTN Việt Nam tại tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai tọa lạc khóm 1, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau
Anh Trần Bình Nguyên, Phó Bí thư Huyện Đoàn Năm Căn, thông tin: “Trong công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên, học sinh, BTV Huyện đoàn cũng đã phối hợp và tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân, Huyện đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thăm các cán bộ, chiến sỹ và dâng hương tại nhà bia ghi danh,.. năm 2025, BTV Huyện đoàn sẽ tổ chức các hội thi hội diễn, các hành trình giáo dục truyền thống. Đồng thời, phối hợp với các ngành của huyện tổ chức tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh để giúp các bạn trẻ, nhất là lực lượng thanh niên trẻ và học sinh hướng về cội nguồn, hiểu thêm về lịch sử”.
Qua hơn 70 năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam luôn phát huy sức mạnh, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần hình thành lớp học sinh, sinh viên thời đại mới giàu lòng yêu nước, bản lĩnh, tri thức, sức khỏe, có khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.