Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với ý nghĩa đó, thời gian qua, các ngành, các cấp huyện Năm Căn đã tích cực phối hợp với các cơ sở kinh doanh, công ty, hợp tác xã hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hỗ trợ các chủ thể hồ sơ thủ tục để được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Khi được công nhận OCOP 3 sao, HTX Bánh phồng tôm Năm Căn - Hàng Vịnh được tham gia nhiều chương trình xúc tiên thương mại, quảng bá sản phẩm (Trong ảnh: HTX tham gia Phiên chợ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại Siêu thị Tứ Sơn, tại T.P Châu Đốc, tỉnh An Giang, ngày 28/8/2024)
Sản phẩm bánh phồng tôm của Hợp tác xã (HTX) Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Năm Căn vừa được UBND huyện Năm Căn công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là một trong 4 sản phẩm được công nhận mới nhất của huyện.
Bà Trần Thu Trang, Giám đốc HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Năm Căn, cho biết, HTX được thành lập vào đầu năm 2019, đến nay, HTX có 9 thành viên gồm: 7 thành viên chính thức và 2 liên kết, với vốn điều lệ là 285 triệu đồng.
Sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, HTX đã được các cấp, các ngành quan hỗ trợ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm thông qua các chuỗi sự kiện trong và ngoài tỉnh tổ chức, nhằm để gặp gở, kết nối với các doanh nghiệp, địa phương. Đây là cơ hội để sản phẩm đặc trưng của huyện nói chung, của HTX nói riêng đến với người tiêu dùng trong cả nước, đặc biệt hứa hẹn sẽ mang về lợi nhuận cho thành viên, khi có thị trường tiêu thụ ổn định.
Bà Trần Thu Trang, Giám đốc HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Năm Căn (ngồi giữa) tham gia Hội nghị kết nối giao thương giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam bộ năm 2024, tại Thành phố Cần Thơ, ngày 29/8 vừa qua
“Khi được công nhận OCOP, sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao và rất dễ dàng tiêu thụ ra thị trường. Bởi khi được công nhận, đồng nghĩa với việc được chứng nhận là sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc. Bên cạnh đó, được tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, ở đó có rất nhiều sản phẩm OCOP, có nhiều đơn vị làm bao bì, mẫu mã bắt mắt, sản phẩm chất lượng để HTX học hỏi, làm theo”, bà Trần Thu Trang, phấn khởi.
Theo ông Trần Thanh Nghị, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT, những sản phẩm được công nhận COOP được làm từ các sản phẩm đặc trưng của địa phương, chủ yếu là tôm và cua. Đây là mặt hàng mũi nhọn, mang thương hiệu của vùng đất ngập mặn Năm Căn, nên sau khi được công nhận, đã góp phần nâng cao giá trị, người tiêu dùng tự tin, lựa chọn sản phẩm. Từ đó, tạo cơ hội cho sản phẩm OCOP của huyện tiếp tục vươn xa hơn trong thòi gian tới.
“Khi được chứng nhận sản phẩm OCOP thì những quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh đã được chuẩn hóa, bên cạnh đó, còn được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, được bảo hộ sản phẩm, được hỗ trợ bao bì, tem OCOP dán lên sản phẩm, đặc biệt là được tham gia hội trợ thương mại và được đưa lên trang OCOP của tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm”, ông Trần Thanh Nghị, thông tin thêm.
Sản phẩm OCOP 3 sao Yến sào tinh chế Tỷ Vân Yến của Công ty THHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Yến Sào Tỷ Vân Yến tham gia Festival Tôm và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023 tại tỉnh Cà Mau
Từ khi triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay toàn huyện Năm Căn đã có 15 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, có 06 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 09 sản phẩm đạt hạng 3 sao, của 7 chủ thể, là các HTX, công ty, hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, một số sản phẩm đặc trưng có thế mạnh, tiêu thụ cao trên thị trường như: Bánh phồng tôm, cua biển sinh thái, thịt cua sinh thái, cua biển...v...v...Ngoài bán lẻ nội địa, nhiều sản phẩm được bán qua Facebook, Zalo, Web, sàn thương mại điện tử và các cửa hàng bán lẻ.... Đặc biệt, có 5 chủ thể đã đạt chứng nhận hữu cơ (HACCP), có chỉ dẫn địa lý (FDA) và đạt chuẩn ISO 9001:2015. Từ đó, nhiều sản phẩm được tiêu thụ đến các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó, có một số sản phẩm được xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ.
Bài và ảnh: Văn Tưởng