Năm Căn là huyện có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, tuy nhiên trước thực trạng hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân trên địa bàn nuôi tôm quảng canh theo tập quán canh tác truyền thống, việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật còn hạn chế, cùng với đó loại hình nuôi này đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nên năng suất sản xuất đạt chưa cao. Trước tình hình trên Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn và UBND xã Đất Mới tổ chức lớp học hiện trường ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm sú quảng cảnh cải tiến (QCCT).
Tham gia lớp có 20 học viên là các hộ nuôi thuỷ sản trên địa bàn ấp Xóm Mới, xã Ðất Mới. Lớp học diễn ra từ tháng 5/2024, địa điểm trình diễn thực hành tại hộ ông Trần Văn Nguyên, diện tích áp dụng là 1 ha. Kinh phí thực hiện xuất từ nguồn khuyến nông địa phương.
Tham gia lớp học, học viên được hướng dẫn 4 chuyên đề lý thuyết về: Thiết kế và chuẩn bị ao ương; cách ủ và ứng dụng vi sinh trong nuôi tôm sú QCCT; chọn giống, thả giống, chăm sóc và quản lý vuông nuôi; cách phòng, trị bệnh, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Nhân viên khuyến nông tỉnh còn “cầm tay chỉ việc” cho học viên từng quy trình, nên các học viên nắm chắc kỹ thuật.
Ông Trần Văn Nguyên chia sẻ kiến thức được học: “Trước tiên, bà con cần xử lý đáy ao và phơi, tiếp đó bón vôi canxi hoặc vôi nóng. Sau khi phơi đáy ao từ 3-5 ngày thì lấy nước vô và đánh men vi sinh để xử lý nước, sau đó thả giống. Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo chọn nguồn giống tốt để thả nuôi”.
Thời gian thả giống của lớp học bắt đầu từ ngày 19/6 với 20 ngàn con. Cùng với ứng dụng khoa học - kỹ thuật, khi áp dụng mô hình này, người dân còn thực hiện nghiêm việc ít thay nước, mục đích vừa giữ được nguồn nước ổn định, vừa giảm mầm bệnh từ bên ngoài vào trong vuông nuôi.
Qua 69 ngày thả nuôi áp dụng quy trình sản xuất, lớp học hiện trường ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm sú QCCT tổng kết vào ngày 28/8, lúc này tôm có trọng lượng từ 50-70 con/kg, sống khoảng 60%. Với kết quả này, lớp học được các đơn vị phối hợp và học viên đánh giá cao.
Lứa tôm thực nghiệm tại nhà ông Trần Văn Nguyên đến nay trọng lượng khoảng 10-15 con/kg.
Vào tháng 10, ông Nguyên bắt đầu thu hoạch tôm, trọng lượng khoảng 25-30 con/kg. Ðến thời điểm này, tôm sú khoảng 10-15 con/kg. Với 20 ngàn con giống thả nuôi từ lớp học, ông Nguyên thu lãi gần 40 triệu đồng/vụ. Sau 2 tháng thả con giống từ lớp học, ông Nguyên bắt đầu thả nối vụ tiếp theo.
Có 100% học viên áp dụng mô hình này, hiện tại tôm phát triển tốt. Do môi trường nuôi phù hợp nên không chỉ con tôm sú mà nhiều giống tôm từ tự nhiên như: tôm thẻ, tôm bạc, tôm đất cũng sinh sản và phát triển tốt.
Ông Trần Văn Hồng, học viên lớp, cho biết: “Tôi thấy lớp học này rất hiệu quả. Ðược anh em khuyến nông xuống hướng dẫn thả tôm, cách thức thay nước, dễ thực hiện nhưng hiệu quả lắm, tôm đạt khoảng 70%”.
Ông Trần Văn Hồng và vợ đặt lý bắt tôm
Theo ông Trịnh Thanh Thoảng, Phó chủ tịch UBND xã Ðất Mới, nuôi tôm sú QCCT có sử dụng men vi sinh là một trong những mô hình hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, dễ thực hiện.
Ông Lê Văn Sin, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết thêm: “Qua triển khai lớp học, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả, có khả năng nhân rộng trong những hộ dân lân cận cũng như trên địa bàn huyện. Lớp học là điều kiện để kết nối các hộ nông dân, là cơ sở để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đến sản xuất tôm sạch, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Thành công của lớp học hiện trường ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm sú QCCT tại ấp Xóm Mới, xã Ðất Mới góp phần thay đổi tư duy của người dân, từ sản xuất truyền thống sang áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Ðặc biệt, áp dụng mô hình này góp phần ổn định về môi trường vuông nuôi, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững./.